Nội dung bài viết [hide]
Chúng ta thường gặp bố mẹ đưa trẻ đến nha khoa trong tình trạng trẻ có nhiều răng sâu gây đau nhức, quấy khóc, ăn không đủ bữa và quan trọng là trẻ thiếu hợp tác khi đến nha khoa thăm khám răng miệng. Chính vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về quá trình gây sâu răng và đặc biệt là có kế hoạch phòng ngừa sâu răng cho trẻ từ sớm, chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây với mong muốn mang lại hàm răng sạch, không sâu, giúp trẻ tự tin, ăn ngon, sức khỏe tốt và thân thiện với bác sĩ nha khoa.
1. Sâu răng là gì?
- Là một bệnh nhiễm khuẩn gây ra sự phá hủy tại chỗ trên mô cứng của răng như men, ngà, xê măng ở mức vi cấu trúc cho đến phá hủy toàn bộ mô răng.

- Là một bệnh nhiễm khuẩn chịu ảnh hưởng của chế độ ăn.
- Là một quá trình diễn ra trên bất kỳ bề mặt nào của răng mà mảng bám răng có thể phát triển một thời gian trong khoang miệng.
2. Sâu răng sớm ở trẻ (Early childhood caries) là gì?
- Là tình trạng trẻ có một hoặc nhiều răng sâu (đã hình thành lỗ hoặc chưa), mất (do sâu răng), đã trám bất kỳ bề mặt nào của răng ở trẻ dưới 71 tháng tuổi.
- Tình trạng sâu răng sớm ở trẻ có liên hệ mật thiết với tình trạng bú bình ban đêm trong thời gian dài gây sâu các răng cửa sữa. Bên cạnh đó, trẻ ăn thức ăn có độ bám dính cao, hoặc thức ăn nhẹ chứa đường (sucrose) cũng gây sâu răng, nhất là những răng có nhiều hố rãnh ở mặt nhai như răng cối sữa và răng cối vĩnh viễn thứ nhất (là răng vĩnh viễn đầu tiên mọc vào khoảng 6 tuổi).

Tình trạng sâu răng do bú bình ban đêm ở trẻ 4 tuổi.
3. Bốn yếu tố gây sâu răng:
Sơ đồ Keyes:

Sơ đồ 4 yếu tố nguyên nhân gây ra sâu răng
(1) Răng:
-
Hình thái và giải phẫu tùy từng răng: răng nhiều hố rãnh sâu ở mặt nhai và vùng tiếp xúc mặt bên rộng và phẳng, dễ gây sâu răng.
- Vị trí răng trên cung hàm: sắp xếp không ngay ngắn, chen chúc, lệch lạc dễ gây nhồi nhét thức ăn.
- Khiếm khuyết trong quá trình hình thành chất cơ bản của răng, hoặc sự giảm thấm nhập của Fluor trong giai đoạn men răng chín mùi, đều gây giảm khoáng hóa mô cứng của răng.
- Thời gian khi răng mới mọc trên cung hàm, men răng còn kém chín mùi, (trưởng thành/ khoáng hoá đầy đủ) nên dễ bị tấn công gây sâu răng. Một thời gian sau đó, sau khi sự ngấm vôi hoàn tất, men răng chín mùi có chứa Fluor nên đề kháng hơn với sâu răng.
(2) Mảng bám
Trong sâu răng: ký chủ là răng, tác nhân là vi khuẩn cùng hội tụ ở mảng bám. Diễn tiến sâu răng bắt đầu từ sự khởi phát sang thương sâu (do vi khuẩn Streptococcus Mutans) và làm sang thương tiến sâu xuống bên dưới (do vi khuẩn Lactobacillus acidophilus).
(3) Chất đường
Đặc biệt các loại đường tinh chế có trong thức ăn nhanh, đồ ăn vặt là loại ưa thích của vi khuẩn gây sâu răng. Khi sự lên men loại đường này thành axit với pH đủ thấp, dẫn đến mất khoáng men răng. Chính vì vậy, nên hạn chế hoặc thay thế các thức ăn nhanh chứa đường cho trẻ, bằng các loại thực phẩm bổ dưỡng và được nấu chín.
(4) Thời gian
Nhiều phụ huynh cho rằng, việc ăn nhiều thức ăn nhẹ chứa đường sẽ gây sâu răng. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Vì số lần lặp lại thói quen , cũng quyết định việc hình thành sâu răng. Ví dụ: Việc trẻ dùng các bữa ăn vặt nhiều lần giữa các bữa ăn chính sẽ làm cho bề mặt răng gần như bị axit tấn công thường xuyên dẫn đến mất khả năng tái khoáng hóa lại bề mặt răng, làm men răng yếu, dễ bị sâu răng tấn công.
4. Bốn dạng sâu răng ở trẻ:
- Dạng hoạt động/tiến triển, chưa có lỗ sâu: đốm trắng trên men, gồ ghề, gần cổ răng
- Dạng không hoạt động/ ngừng tiến triển, chưa có lỗ sâu: đốm trắng, nâu hoặc đen trên men, bóng, cứng, xa cổ răng
- Dạng hoạt động/ tiến triển, có lỗ sâu: đáy xoang sâu mềm, có nhiều ngà mủn
- Dạng không hoạt động/ ngừng tiến triển, có lỗ sâu: đáy xoang sâu cứng, có màu nâu/đen sậm.
Nếu bố mẹ phát hiện có bất kỳ sự thay đổi màu sắc nào trên răng ở trẻ nên cho trẻ đến thăm khám răng miệng kịp thời. Bởi vì, đó có thể là dấu hiệu của một sâu răng sớm (sâu răng mới chớm), chưa có sự hình thành lỗ sâu. Khi đó, việc điều trị cho trẻ còn ở giai đoạn phòng ngừa, có thể trám sealants hoặc bôi chất có chứa Fluor nhằm ngăn chặn hình thành lỗ sâu, giúp tái khoáng hóa, làm ngừng sự tiến triển của lỗ sâu tránh gây ê buốt nhiều hay nặng nề là trẻ đau nhức, quấy khóc do viêm tủy.
Ngoài ra, còn hạn chế sự lan rộng sâu răng sang các răng khác. Hơn nữa, việc điều trị cũng nhẹ nhàng, không loại bỏ mô răng và nhất là không dùng các dụng cụ như tay khoan, mũi khoan làm trẻ lo lắng, sợ hãi. Do đó, trẻ an tâm, tinh thần thoải mái với môi trường nha khoa, và phấn khởi hơn ở những lần tái khám định kỳ sau đó.
5. Ba tiêu chí đánh giá nguy cơ sâu răng ở trẻ từng độ tuổi
(1) TIÊU CHÍ SINH HỌC: Di truyền và môi trường trong miệng
- Tình trạng sâu răng ở người mẹ cũng gây ảnh hưởng đến trẻ. Một trong những nghiên cứu về vi khuẩn sâu răng cho thấy có sự lây nhiễm vi khuẩn sâu răng từ mẹ sang trẻ khi trẻ 19-28 tháng tuổi. Phụ huynh cần lưu tâm hơn về việc cho trẻ hoặc đáp ứng sự đòi hỏi ăn vặt/ thức ăn chứa đường của trẻ quá 3 lần mỗi ngày, vì gây nguy cơ sâu răng cao.
- Và việc trẻ bú bình ban đêm kéo dài cũng là nguyên nhân thông thường gây nên sâu răng. Đối với trường hợp này, bố mẹ có thể giảm dần thói quen cho trẻ bú bình ban đêm , hoặc cho trẻ uống nước sau bú bình, và rà sạch bề mặt răng cho trẻ bằng miếng gạt hay vải sạch. Điều này, tuy không hiệu quả triệt để trong việc phòng ngừa, nhưng cũng giúp hạn chế tối thiểu hình thành mảng bám gây sâu răng đối với trẻ chưa cai được tình trạng bú bình.
Làm sạch răng cho trẻ bằng gạc/ miếng vải giúp hạn chế tương đối mảng bám gây sâu răng
(2) TIÊU CHÍ THỨ HAI: Bổ sung Fluor cho trẻ.
Vậy vai trò của Fluor là gì?
Viện hàn lâm khoa học Nhi khoa Hoa Kỳ (AAPD), Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) đều cho rằng fluoride an toàn cho trẻ em và là giải pháp hữu hiệu trong việc duy trì sức khỏe răng miệng.
- Là tấm lá chắn cho lớp men răng bên ngoài khỏi sự tấn công của vi khuẩn.
- Phòng chống sâu răng.
- Ngấm vào men răng, chuyển các hydro apatite thành fluoro apatite làm cho men răng cứng chắc hơn, ít bị hòa tan bởi axit.
- Trong giai đoạn mang thai, Fluor cùng với Calci giúp cho việc kiến tạo men răng cho bé. Sau đó, khi răng đã hình thành, Fluor làm men cứng chắc hơn, nhất là giai đoạn răng sữa men răng mỏng, còn ở răng vĩnh viễn thì giúp quá trình men răng chín muồi, khoáng hóa được hoàn tất.


6. Ba phác đồ kiểm soát sâu răng ở trẻ em

(1) Phác đồ kiểm soát sâu răng ở trẻ 1-2 tuổi
Nhóm trẻ nguy cơ thấp:
- Chải răng 2 lần/ ngày, thăm khám sức khỏe răng miệng mỗi 6-12 tháng
Nhóm trẻ nguy cơ cao:
- Chải răng 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa Fluor
- Bổ sung hoặc bôi Fluor mỗi 3-6 tháng
- Theo dõi tích cực các sâu răng mới chớm và trám các răng sâu có lỗ
- Thăm khám sức khỏe răng miệng mỗi 6 tháng.
(2) Phác đồ kiểm soát sâu răng ở trẻ 3-5 tuổi
Nhóm trẻ nguy cơ thấp:
- Chải răng 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa Fluoride
- Trám sealant (trám bít hố rãnh) phòng ngừa
- Thăm khám răng miệng mỗi 12 tháng kèm chụp X-quang định kỳ mỗi 12-24 tháng.
Nhóm trẻ nguy cơ trung bình:
- Chải răng 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa Fluor
- Trám sealant phòng ngừa
- Bổ sung hoặc bôi Fluor mỗi 6 tháng
- Theo dõi tích cực các sâu răng mới chớm và trám các răng sâu có lỗ
- Thăm khám răng miệng mỗi 6 tháng kèm chụp X-quang định kỳ mỗi 6-12 tháng.
Nhóm trẻ nguy cơ cao:
- Chải răng 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa 0.5 % Fluor
- Trám sealant phòng ngừa
- Bổ sung hoặc bôi Fluor mỗi 3 tháng
- Theo dõi tích cực các sâu răng mới chớm và trám các răng sâu có lỗ
- Thăm khám răng miệng mỗi 3 tháng kèm chụp X-quang định kỳ mỗi 6 tháng.
(3) Phác đồ kiểm soát sâu răng ở trẻ >= 6 tuổi
Nhóm trẻ nguy cơ thấp:
- Chải răng 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa Fluoride
- rám sealant phòng ngừa
- Thăm khám răng miệng mỗi 12 tháng kèm chụp X-quang định kỳ mỗi 12-24 tháng.
Nhóm trẻ nguy cơ trung bình:
- Chải răng 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa Fluor
- Trám sealant phòng ngừa
- Bổ sung hoặc bôi Fluor mỗi 6 tháng
- Theo dõi tích cực các sâu răng mới chớm và trám các răng sâu mới chớm và răng sâu có lỗ.
- Thăm khám răng miệng mỗi 6 tháng kèm chụp X-quang định kỳ mỗi 6-12 tháng.
Nhóm trẻ nguy cơ cao:
- Chải răng 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa 0.5 % Fluor
- Trám sealant phòng ngừa
- Bổ sung hoặc bôi Fluor mỗi 3 tháng
- Theo dõi tích cực các sâu răng mới chớm và trám các răng sâu có lỗ
- Thăm khám răng miệng mỗi 3 tháng kèm chụp X-quang định kỳ mỗi 6 tháng.
Tóm lại, tùy từng giai đoạn tuổi và từng nhóm nguy cơ mà trẻ sẽ có biện pháp phòng ngừa, và chữa trị khác nhau. Cho nên, bố mẹ cần đưa trẻ đến nha khoa thăm khám răng miệng thường xuyên.
- Vậy khi nào trẻ mới bắt đầu được đi khám răng miệng?
Theo Viện hàn lâm khoa học Nhi khoa Hoa Kỳ (AAPD), trẻ cần được chăm sóc răng miệng và thăm khám răng miệng khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên (6 tháng tuổi).
- Nhiều phụ huynh thắc mắc không biết khi nào cho trẻ đánh răng và lượng kem đánh răng như thế nào là đủ?
Thực tế, trẻ cần được đánh răng khi chiếc răng sữa đầu tiên mọc. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), lượng kem đánh răng dạng lớp mỏng cho trẻ mới mọc răng đến 3 tuổi, khi trẻ đạt 3 tuổi trở lên lượng kem bằng hạt đậu xanh.

- Vậy khi nào trám sealants hay bôi gel/vecni chứa Fluor là an toàn và hiệu quả cho trẻ?
7. Hai cách điều trị phòng ngừa sâu răng cho trẻ em
Như đã đề cập ở trên, trẻ thường được bố mẹ đưa đến nha khoa trong tình trạng răng có nhiều mảng bám, răng có lỗ sâu hoặc nặng hơn là gây đau nhức cho trẻ khi răng sâu đến mức độ viêm tủy, áp xe…Khi đó trẻ đến thăm khám trong tinh thần không thoải mái, lo sợ. Vì vậy, nhằm giúp trẻ làm quen với môi trường nha khoa cũng như đề cao việc phòng ngừa hơn chữa trị, bố mẹ nên cho trẻ thăm khám răng miệng định kỳ. Các điều trị phòng ngừa sâu răng thường nhẹ nhàng và không đau hay xâm lấn, giúp trẻ có tinh thần tốt để quay lại tái khám với nha sĩ.
Sau đây là hai cách thức điều trị trám sealants (trám bít hố rãnh), và bôi gel/vecni phòng ngừa sâu răng cho trẻ:
(1) Trám bít hố rãnh
Trám bít hố rãnh là gì? Sealant răng là gì?Trám bít hố rãnh hay sealant răng là cách đặt 1 lớp mỏng vật liệu lên mặt nhai của răng sau, bảo vệ các rãnh hoặc hố sâu tự nhiên trên mặt răng khỏi thức ăn và vi khuẩn. Một khi sealant, nó bảo vệ mặt răng này khoảng 80% sâu răng trong 2 năm, và 50% kéo dài đến 4 năm sau.
Trám bít hố rãnh là điều trị phòng ngừa sâu răng sớm phổ biến cho trẻ em vì là điều trị nhanh chóng và ít xâm lấn (không mài/ tạo lỗ trám). Các răng sau mới mọc mà mặt nhai có trũng rãnh sâu dễ nhét thức ăn gây sâu răng/ trẻ có nguy cơ sâu răng nặng sẽ được ưu tiên chỉ định điều trị này.
Có 2 loại vật liệu chính để sealant:
- Glass Ionomer : Vật liệu tự đông cứng
- Resin : Vật liệu đông cứng bằng cách chiếu đèn

(2) Bôi Flour
Một số trẻ em được sử dụng flour trong các chương trình phòng ngừa sâu răng quốc gia tại trường học, đồng thời trong nước máy sinh hoạt cũng đã được thêm vào nồng độ flour. Nhưng nếu trẻ được bác sĩ khám và đánh giá nguy cơ cần thiết sử dụng thêm flour thì sẽ được áp lên răng của trẻ. Có 2 cách sử dụng:
- Áp Gel Flouride bằng máng
- Bôi Vecni Flouride

Tài liệu tham khảo:
Sách: The third edition of Pediatric Dentistry: A Clinical Approach (Göran Koch, Sven Poulsen)
Sách: Răng trẻ em (Bộ Y tế)
Chăm sóc răng sớm cho trẻ ở những năm đầu đời là bước khởi đầu vững chắc để trẻ em có sức khoẻ răng miệng tốt và cả sức khoẻ toàn thân tốt trong tương lai. Cha mẹ đã có thể cho trẻ đi khám răng miệng lần đầu sau khi mọc những chiếc răng sữa đầu tiên (6 tháng), và nên sớm hơn 2 tuổi để trẻ bắt đầu quen với nha sĩ. EDEN có các bác sĩ Nha khoa Trẻ Em và bác sĩ Tổng quát được đào tạo cập nhật chuyên sâu về quy trình phòng ngừa điều trị sâu răng sớm ở trẻ em theo hướng dẫn AAPD và Bộ Y Tế. Khám răng cho trẻ tại EDEN được các bác sĩ thân thiện và kiên nhẫn với trẻ đảm nhận, luôn sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn cha mẹ xử lý phòng ngừa sâu răng đúng cách tuỳ trường hợp.