Nội dung bài viết [hide]
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8, thường mọc khi chúng ta đến độ tuổi trưởng thành. Nhưng nhiều người lại quyết định nhổ nó đi, vì sao vậy? Và "Nhổ răng khôn có đau không?". Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.
Nhổ răng khôn giúp ngăn chặn những tác hại do việc răng khôn mọc lệch gây ra. Ảnh: internet
1. Khi nào nên nhổ răng khôn?
Bạn sẽ được nha sĩ đề nghị loại bỏ răng số 8, khi răng khôn gặp phải một số vấn đề như:
- Mọc kẹt trong xương hàm: tình trạng này khá nguy hiểm. Có thể dẫn tới viêm nhiễm, u nang,... có khả năng làm vỡ răng số 7 khi nó mọc ngã về hướng chiếc răng này.
- Mọc lệch, mọc nghiêng: răng số 8 mọc nghiêng có thể gây sai lệch khớp cắn; mọc đè lên răng kế cận làm cho răng số 7 bị lung lay, gây đau đớn.
- Chỉ mọc một phần: răng khôn chỉ nhú lên một phần sẽ gây khó khăn khi vệ sinh răng miệng, lâu ngày có thể dẫn tới sâu răng, viêm nướu,...
- Kích thước cung hàm không đủ chỗ cho răng khôn mọc lên: nha sĩ có thể đề nghị loại bỏ răng khôn khi thấy được điều này trước khi nó mọc lên để phòng tránh các tác hại của việc răng khôn mọc lệch.
- Răng khôn bị sâu: sâu răng có thể tái đi tái lại ở chiếc răng khôn mọc không đúng cách. Nên nha sĩ có thể đề nghị loại bỏ nó để phòng ngừa "tai họa" thay vì trám răng hay mão răng như các răng bị sâu khác.
2. Nhổ răng khôn có đau không?
2.1. Trước khi nhổ răng

Để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật. Nha sĩ sẽ hỏi bạn một số vấn đề như:
- Bạn có mắc một số bệnh lý như: cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường,..không?
- Bạn có bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào không?
- Bạn có đang uống thuốc đặc trị nào không?
2.2. Quá trình nhổ răng có đau không?
Quy trình nhổ răng khôn có thể mất 15-20 phút cho một răng. Trường hợp phức tạp hơn thể lên đến 30-45 phút. Vậy nếu bạn nhổ cùng lúc 2-4 chiếc răng khôn, thì toàn bộ quá trình sẽ kéo dài khoảng 1-2 tiếng.
Một số trường hợp, nha sĩ sẽ hẹn một ngày khác để thực hiện loại bỏ răng khôn.
Việc loại bỏ răng khôn sẽ không gây đau đớn vì bạn đã được gây tê trước khi thực hiện. Trong quá trình này, nha sĩ cũng sẽ liên tục kiểm tra xem bạn có cảm thấy bất kỳ sự khó chịu nào không, để cải thiện ngay lúc đó. Giúp quá trình nhổ răng diễn ra thuận lợi hơn.
Nếu có đau, thì cơn đau chỉ "le lói" trong khoảng vài giây khi nha sĩ tiêm thuốc tê vào nướu của bạn. Nên đừng quá lo lắng nhé.
2.3. Sau khi nhổ răng khôn có đau không?
Sau phẫu thuật loại bỏ răng số 8, có thể sẽ xuất hiện cảm giác đau nhức, ê buốt. Má có thể sưng đỏ, máu vẫn còn chảy tại ổ răng. Đừng quá lo lắng, những điều này hầu như đều xảy ra ở tất cả mọi người. Và đều có cách khắc phục.
Nếu nhận thấy sự phức tạp ở ca phẫu thuật. Tiên liệu những cơn đau của bạn, nha sĩ có thể sẽ kê toa thuốc giảm đau để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, kèm theo một số lời dặn dò để quá trình hồi phục được diễn ra nhanh chóng.
Xem thêm: Nhổ răng khôn bao lâu thì lành?
3. Có nên nhổ cùng lúc 4 chiếc răng khôn không?
Việc nhổ cùng lúc 4 chiếc răng khôn có thể làm cho bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định này hoặc đây là điều cần thiết cho sức khỏe răng miệng của bạn. Thì tốt nhất, bạn nên chọn loại bỏ nó cùng một lúc. Cơn đau mặc dù có thể tăng lên nhưng so với việc bạn chia ra nhiều lần nhổ răng, thì nó vẫn tiết kiệm nhiều thời gian, công sức của bạn hơn.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được khuyến khích loại bỏ răng khôn. Và không phải ai cũng được nha sĩ đề nghị nhổ cùng lúc 4 chiếc răng. Tùy theo cơ địa, tình trạng răng của mỗi người mà sẽ có nhiều hướng điều trị khác nhau.
4. Cơn đau sau khi nhổ răng khôn thường kéo dài bao lâu?

Thường sẽ mất khoảng 3-4 ngày để bạn có thể hoạt động, ăn uống lại như bình thường sau khi nhổ răng cấm. Đối với ca phẫu thuật phức tạp, thời gian phục hồi có thể kéo dài 7-10 ngày.
Đừng lầm tưởng rằng bạn sẽ chịu đau nhức suốt khoảng thời gian này. Cơn đau thường sẽ giảm dần theo từng giờ, từng ngày. Hoặc thậm chí bạn không cảm thấy đau đớn gì nhiều khi uống thuốc giảm đau được kê toa bởi nha sĩ.
5. Nên và không nên làm gì trong thời gian hồi phục?

5.1. Nên:
- Chườm lạnh để giảm sưng má, và chườm nóng để làm dịu cơn đau
- Nghỉ ngơi nhiều trong 1-2 ngày sau phẫu thuật
- Ăn thức ăn mềm như: cháo thịt bằm, súp, sinh tố,...
- Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể để giúp quá trình chữa lành được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi
- Uống nhiều nước
- Dùng chỉ nha khoa và chải răng nhẹ nhàng
- Uống đúng liều lượng thuốc theo lời dặn của nha sĩ
5.2. Không nên:
- Không chải răng ngay sau khi hoàn thành phẫu thuật
- Tránh khạc nhổ mạnh 1-2 giờ sau khi nhổ răng khôn
- Đừng sử dụng ống hút
- Không nên hút thuốc. Nó có thể làm vết thương bị nhiễm trùng
- Không nên ăn thức ăn giòn, cứng hoặc có độ dính.