Nội dung bài viết [hide]
Vôi răng hay cao răng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh lý nặng của răng miệng và toàn thân. Sự chủ quan và việc chưa có thói quen cạo vôi răng hay lấy cao răng định kỳ thường dẫn đến hậu quả phải điều trị phục hồi tốn kém như mất răng, viêm nha chu,...Vì vậy các bác sĩ và chuyên gia đều khuyên rằng tất cả mọi người nên được cạo vôi răng một cách chuyên nghiệp và kỹ lưỡng từ 3-6 tháng một lần.
1. Cạo vôi răng là gì?
Cạo vôi răng là một điều trị nha khoa phòng ngừa thực hiện bởi bác sĩ RHM (Răng Hàm Mặt) nhằm giữ cho sức khỏe răng miệng bạn được ổn định và ở trạng thái tốt nhất. Khi điều trị cạo vôi răng, bác sĩ phải lấy những mảng bám răng và vôi răng tích tụ trên bề mặt răng để bảo vệ răng khỏi sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu.
Dù bạn có thể tự làm sạch răng hằng ngày với bàn chải, kem đánh răng và chỉ nha khoa; thì bạn vẫn cần sự làm sạch kỹ lưỡng và sâu hơn bởi bác sĩ nha khoa. Đó là bởi vì chải răng thông thường và dùng chỉ nha khoa vẫn không hoàn toàn làm sạch được mảng bám và vôi răng đã bám chặt vào xung quanh răng, lâu ngày dẫn đến viêm nướu và các bệnh lý khác.
Vôi răng là gì?
Vôi răng là gì? và mảng bám răng là gì?Mảng bám răng là 1 lớp mềm, bám dính vào răng và chứa rất nhiều vi khuẩn. Sự tích tụ dày của lớp này dễ dẫn đến sâu răng và viêm nướu. Còn vôi răng là một lớp calcium tích tụ, có thể hình dung nó tương tự lớp cặn thường tích tụ trong ống nước kim loại hoặc ấm đun nước. Hầu hết trường hợp lớp này sẽ có màu gần giống màu răng nên không gây chú ý, nhưng cũng có trường hợp có màu nâu hoặc đen, nhất là người hút thuốc. Nếu vôi răng lâu ngày không được lấy đi, nó trở thành nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Vôi răng làm cản trở việc vệ sinh răng miệng thông thường như dùng bàn chải và chỉ nha khoa, làm tăng thêm mảng bám và dẫn đến viêm nướu.
Sau khi được cạo vôi răng và đánh bóng, bề mặt răng sạch sẽ và láng bóng khiến vi khuẩn khó bám vào và dễ dàng bị bàn chải và chỉ nha lấy đi.
Viêm nướu là gì?
Viêm nướu hay viêm lợi là tình trạng viêm nhiễm của nướu (lợi) quanh răng. Nó thường diễn ra bởi sự tích tụ xung quanh răng 1 lớp màng chứa mảng bám thức ăn và vi khuẩn.
Diễn tiến quá trình viêm nướu - viêm nha chu
2. Ai cần phải điều trị cạo vôi răng?
Tất cả mọi người đều được khuyên là phải được cạo vôi răng và làm sạch răng kỹ lưỡng chuyên nghiệp 6 tháng 1 lần theo ADA (Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ). Nếu những bệnh nhân có sẵn các vấn đề răng miệng thì còn phải được cạo vôi răng thường xuyên hơn (3-4 tháng)
Thông thường sau khi khám răng miệng tổng quát, nếu bác sĩ thấy các dấu hiệu bạn có nhiều vôi răng hoặc bị viêm nướu thì sẽ chỉ định cho bạn cần phải điều trị Cạo vôi răng.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm nướu mà bạn cần phải đến cạo vôi răng:
- Nướu (lợi) viêm đỏ
- Sưng nướu (lợi)
- Chảy máu nướu (lợi)
- Vôi răng nhiều
- Hôi miệng
- Đau nướu/ Áp-xe nướu (lợi)

Trước và sau cạo vôi răng
3. Cạo vôi răng có tốt không?
Được biết như là điều trị nha khoa phòng ngừa quan trọng nhất, nhưng cũng là điều trị thông thường và ít tốn kém nhất, cạo vôi răng giúp phòng các bệnh lý thường xảy ra do sự tích tụ của vôi răng và mảng bám. Những tích tụ này vẫn xảy ra dù bạn vệ sinh kỹ đến đâu, vệ sinh đúng cách là để làm chậm sự tích tụ này và giảm khả năng bạn bị viêm nướu.
Đặc biệt trong khi khám và cạo vôi răng định kỳ, các bác sĩ của bạn thường quan sát kĩ lưỡng mọi ngóc ngách trong miệng, do đó phát hiện kịp thời các nguy cơ bệnh lý như sâu răng, nhiễm trùng, răng khôn, và rất nhiều bệnh lý khác.
Mục đích của việc định kỳ đi lấy vôi răng có thể liệt kê gồm:
- Phòng ngừa sâu răng
- Giữ răng chắc khỏe
- Giữ cho nướu khoẻ mạnh
- Điều trị viêm nướu và viêm nha chu
- Tránh việc vôi răng tích tụ quá nhiều
- Làm sạch các vết dính đen mất thẩm mỹ
4. Quy trình cạo vôi răng diễn ra như thế nào?
Cạo vôi răng có thể được thực hiện bởi bác sĩ Răng Hàm Mặt hoặc y sĩ Răng Hàm Mặt tại Việt Nam (ở Mỹ thì có các Dental Hygienist là các nha tá chuyên cạo vôi làm sạch răng).
Cạo vôi răng bao gồm 3 kỹ thuật chính sau:
- Cạo vôi răng (Tooth scaling): Cạo vôi răng là quá trình lấy đi các lớp vôi và mảng bám trên răng bám dính chặt trên răng bằng các dụng cụ phù hợp như tay rung siêu âm, bộ dụng cụ tay,…
- Đánh bóng răng (Tooth polishing) : được thực hiện sau khi cạo vôi hoàn tất nhằm làm bề mặt răng sáng bóng thẩm mỹ và trơn láng hơn. Thường bằng các dụng cụ như chổi đánh bóng bằng máy, bột đánh bóng, có thể thêm máy thổi cát để làm sạch chuyên nghiệp các vết dính
- Xử lý gốc răng / Làm sạch sâu chân răng (Root planing) : Với các trường hợp vôi răng quá nhiều mà đặc biệt là vôi răng dưới nướu và thường ở bệnh nhân viêm nha chu mãn tính, thì cạo vôi răng là không đủ để làm sạch hết quanh chân răng. Lúc này do bác sĩ chỉ định để được điều trị xử lý gốc răng với các bộ dụng cụ chuyên biệt dành cho nha chu.
Các bước cạo vôi răng & đánh bóng theo chuẩn ADA tại EDEN
Tuỳ vào tình trạng răng của bạn, thời gian cạo vôi răng có thể khác nhau. Thông thường 1 lần hẹn có thể kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ. Đây là các bước trong 1 lần hẹn cạo vôi răng đúng chuẩn ADA (Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ):
Bước 1.Khám tổng quát
Đầu tiên bác sĩ sẽ khám răng tổng thể cho bệnh nhân trước khi cạo vôi răng. Sử dụng gương soi nhỏ và thám trâm để kiểm tra xem răng và nướu (lợi) có dấu hiệu của viêm nướu, vôi răng mảng bám, hoặc các vấn đề răng miệng khác. Nếu phát hiện các vấn đề, bác sĩ sẽ kiểm tra thêm với chụp phim X-quang, các máy test khác và lưu lại trong hồ sơ bệnh án. Xong bước này bác sĩ mới đánh giá mức độ vôi răng - viêm nướu và chỉ định mức độ điều trị cạo vôi răng cùng số lần hẹn (1-2 lần).
Khám răng tổng quát
Bước 2.Cạo vôi răng siêu âm
Bác sĩ sử dụng đầu cạo vôi siêu âm để rung lấy các mảng vôi lớn và cứng, kết hợp tia nước phun đẩy các mảnh vụn ra ngoài cho phụ tá hút nước lấy đi. Bác sĩ có thể sử dụng thêm các đầu siêu âm chuyên biệt để lấy các vết dính và mảnh vôi nhỏ. Bước này có thể chia làm 2 lần hẹn nếu mức độ vôi răng nhiều, giúp bệnh nhân thoải mái và làm sạch hiệu quả, hoặc kiểm soát viêm nướu chảy máu chân răng.
Cạo vôi răng bằng đầu rung siêu âm
Bước 3.Làm láng gốc răng
Bước này bác sĩ dùng các dụng cụ cạo vôi tay hoặc các bộ dụng cụ nha chu để làm láng các mặt chân răng đã lấy vôi, đặc biệt các mảng vôi lớn và sâu dưới nướu. Bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng các kẽ răng để lấy các mảnh vụn vôi và mảng bám còn sót bằng tay.
Bước 4.Làm sạch sâu dưới nướu Deep Clean (nếu cần)
Một số bệnh nhân bị viêm nha chu hoặc có nhiều vôi dưới nướu thì cần có thêm lần hẹn làm sạch sâu dưới nướu bằng dụng cụ nha chu chuyên biệt.
Bước 5.Đánh bóng răng
Sau khi bác sĩ đã lấy sạch vôi răng và kiểm soát được viêm nướu (hết chảy máu chân răng), bước tiếp theo là đánh bóng bề mặt thân răng và cổ răng để lấy đi các vết dính nhỏ còn sót. Đánh bóng còn làm láng mặt răng nên giảm khả năng vôi bám sớm trở lại sau cạo vôi răng.
Đánh bóng răng
Bước 6.Thổi cát
Bước này bác sĩ dùng máy chuyên dụng để lấy đi hiệu quả vết dính đen trên răng một cách nhanh chóng. Đầu thổi cát mịn phun cát đánh bay vết dính thường bám nhiều xung quanh cổ răng và kẽ răng.
Bước 7.Dùng chỉ nha khoa
Bác sĩ dùng chỉ nha khoa một cách chuyên nghiệp để làm sạch bất kì mảnh vụn vôi răng hoặc bột đánh bóng còn sót trong kẽ răng. Và luôn luôn hướng dẫn bạn cách dùng chỉ nha khoa cho đúng như một thói quen vệ sinh răng miệng kết hợp cùng việc chải răng.
Bước 8.Súc miệng với nước sát khuẩn hoặc nước Fluoride
Tùy theo tình trạng và mục đích kiểm soát viêm nướu hoặc sâu răng, bác sĩ sẽ cho bạn ngậm nước súc miệng phù hợp ngay sau cạo vôi răng.
Bước 9.Hướng dẫn vệ sinh răng miệng
Sức khỏe răng miệng của bạn vẫn phụ thuộc chính vào thói quen của bạn hằng ngày. Các bác sĩ và phụ tá có trách nhiệm thông báo cho bạn biết tình trạng răng miệng, và không quên hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi lần sau cạo vôi răng. Tùy tình trạng mỗi người mà sẽ có thêm có hướng dẫn khác, phòng bệnh hơn là chữa bệnh.
Hướng dẫn vệ sinh răng miệng
Bước 10.Áp Fluoride
Tùy tình trạng răng mà bác sĩ có thể khuyến cáo bạn nên có thêm điều trị áp Fluoride lên 2 hàm ngay sau cạo vôi răng. Đặc biệt là các bệnh nhân có nguy cơ sâu răng cao và bệnh nhân mới lấy đi rất nhiều vôi răng. Bác sĩ sẽ cách ly nước bọt trong miệng, bôi dạng gel flour lên từng răng và để trong vài phút. Điều trị này giúp răng kháng lại sâu răng tốt hơn trong vài tháng tới.
Bôi Flour ngừa sâu răng sau cạo vôi răng
5. Cạo vôi răng có giá bao nhiêu?
Cạo vôi răng và đánh bóng răng là một điều trị nha khoa thường quy và dễ dàng để tìm 1 phòng khám hoặc bệnh viện để điều trị. Tại Việt Nam, giá thành cạo vôi răng thấp và dễ dàng tiếp cận với đa số bệnh nhân, nhưng chất lượng điều trị và chất lượng dịch vụ có nhiều khác biệt nên giá thành cũng khá chênh lệch. Điều này phụ thuộc chính vào ai là người trực tiếp cạo vôi răng (bác sĩ, y sĩ,..) cùng với thời gian, quy trình và sự kỹ lưỡng khi thực hiện.
Tại Mỹ: 50 - 250 USD (tùy vị trí địa lý)
Tại Việt Nam: (tùy vị trí địa lý)
- Phòng khám RHM thông thường: 100.000 - 300.000 VND
- Bệnh viện RHM/ Bác sĩ RHM uy tín: 200.000 - 500.000 VND
- Phòng khám RHM chất lượng/ quốc tế: 500.000 - 1.000.000 VND
BẢNG GIÁ THAM KHẢO CẠO VÔI RĂNG & ĐÁNH BÓNG TẠI EDEN DENTAL
Cạo vôi răng & Đánh bóng một lần hẹn |
200.000 - 400.000 VND |
Cạo vôi răng & Đánh bóng hai lần hẹn |
400.000 - 600.000 VND |
6. Những lưu ý trước khi cạo vôi răng
Lưu ý trước khi cạo vôi răng
Điều trị cạo vôi răng dù nhìn đơn giản, nhưng nếu được thực hiện thô bạo hoặc không đúng cách có thể gây tổn thương nướu và đau đớn, hoặc không sạch hoàn toàn vôi răng. Nướu bị tổn thương có thể gây viêm, sưng hoặc chảy máu chân răng. Cạo vôi răng không đúng cũng có thể làm tổn thương men răng. Vấn đề vô trùng cũng là 1 nguy cơ nếu không thực hiện đúng quy định về vô trùng dụng cụ máy móc.
Điều trị cạo vôi răng cần lưu ý là phải được thực hiện kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Vì điều này giúp bệnh nhân không e dè khi phải đi cạo vôi răng định kỳ. Thực ra là có rất nhiều người không dám cạo vôi định kỳ là vì đã trải qua những lần cạo vôi răng không thoải mái hoặc đau. Do đó rất quan trọng để bạn tìm được cho mình một bác sĩ mà bạn tin tưởng, dành thời gian cẩn thận và nhẹ nhàng giúp bạn làm sạch vôi răng mỗi năm 2 lần.
Trước khi đến phòng khám để cạo vôi răng, cũng có một số lưu ý:
- Không cần phải cố gắng chải răng sạch trước khi đến cạo vôi răng
- Không nên dùng thuốc tẩy trắng hoặc các biện pháp tẩy trắng khi gần đến ngày hẹn cạo vôi răng
- Nếu bạn ốm (ho, sốt, sổ mũi, mệt,,..) nên hoãn lại ngày hẹn cạo vôi răng
- Lưu ý những chỗ khó chịu trên răng gần đây để báo với bác sĩ
- Đem theo hàm răng giả, các khí cụ duy trì niềng răng hoặc máng nhai,..
- Bạn cần khai báo bệnh sử răng miệng và toàn thân trung thực cho phòng khám, không cần giấu nếu bạn vệ sinh chưa tốt, bác sĩ và y tá sẽ giúp đỡ bạn.
Cạo vôi răng cần mấy lần hẹn : từ 1 đến 2 lần tuỳ mức độ vôi răng.
7. Những lưu ý sau khi cạo vôi răng cần biết
Những triệu chứng phụ tạm thời sau khi cạo vôi răng:
- Ê buốt răng: Những răng bị che phủ bởi rất nhiều vôi răng cứng sau 1 thời gian dài sẽ bị tụt nướu (tụt lợi) về phía chân răng. Một khi những mảnh vôi này bị lấy đi thì chân răng bị bộc lộ tiếp xúc với không khí và thức ăn. Những răng này thường bị ê (nhạy cảm) buốt vài ngày đến vài tuần. Thời gian và mức độ nhạy cảm này phụ thuộc vào sự khỏe mạnh của nướu răng mỗi người. Những người thường xuyên chăm sóc răng - cạo vôi răng hầu như không thấy ê buốt hoặc rất ít sau mỗi lần cạo vôi răng, so với những ai nhiều năm mới gặp nha sĩ. Nhưng đây chỉ là triệu chứng tạm thời, men răng sẽ mau chóng bù đắp khoáng chất trên bề mặt - nướu bám tốt vào mặt răng giúp bạn mau chóng thấy giảm ê buốt răng sau vài ngày.
- Đau nướu: Đây là triệu chứng phụ ít gặp, có thể có sau khi làm sạch sâu dưới nướu gọi là: xử lý mặt gốc răng, một điều trị thường dùng cho bệnh nhân bị nha chu viêm. Cơn đau nướu thường rất nhẹ và chỉ trong vài ngày đến 1 tuần. Các vôi răng bám sâu dưới nướu vào mặt chân răng thường khó lấy sạch, sau quá trình làm sạch sâu thì nướu có thể thấy đau khi đang lành thương, nhưng thuốc giảm đau như Paracetamol có thể rất hiệu quả và đau mau chóng hết.
- Chảy máu nướu: Với các bệnh nhân rất lâu không làm sạch vôi răng và bệnh nhân viêm nướu viêm nha chu thì nướu răng rất dễ chảy máu khi ăn, khi đánh răng,..nên trong khi lấy vôi chắc chắn có chảy máu nướu nhưng được bác sĩ kiểm soát dễ dàng. Nướu lành mạnh không chảy máu kể cả khi dùng thám trâm chạm vào hoặc khi đánh răng. Nên sau khi lấy sạch vôi răng, tình trạng viêm nướu giảm dần thì chảy máu nướu khi chạm vào cũng giảm nhanh.
- Sưng nướu: hiếm gặp, sau khi cạo vôi răng thì nếu trước có sưng nướu thì tình trạng sẽ giảm dần. Nhưng nếu có sưng nướu thêm sau cạo vôi răng thì nên liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn.
- Khe hở giữa các răng: Sau khi lấy đi các mảng vôi lớn giữa kẽ các răng do tích tụ lâu ngày, thì khe hở sẽ xuất hiện, gây 1 số khó chịu như nhét thức ăn. Thông thường nướu sẽ phát triển lấp đầy khe hở này, nhưng nếu bạn bị viêm nha chu hoặc mảnh vôi đã làm tụt nướu quá nhiều thì khe hở có thể không được lấp đầy hết. Nhưng dù sao thì bạn cũng sẽ mau chóng quen với cảm giác này sau 1 tuần, bác sĩ cũng hướng dẫn bạn làm sạch đúng cách
Làm sao để chăm sóc và giảm các triệu chứng phụ sau khi cạo vôi răng:
- Bác sĩ và phụ tá có thể khuyên và hướng dẫn bạn mua - sử dụng nước súc miệng chống ê buốt răng hoặc kem đánh răng chống nhạy cảm.
- Nha khoa cũng khuyến cáo bạn mua thêm các nước súc miệng diệt khuẩn tuỳ tình trạng. Nước súc miệng giúp diệt vi khuẩn gây hại, giảm viêm nướu và nhiều tác dụng khác.
- Bạn có thể tự dùng nước muối pha ấm để ngậm 2-3 lần/ ngày sau khi cạo vôi răng, giúp giảm viêm và giảm vi khuẩn.
- Thuốc giảm đau thông dụng có thể giúp bạn dễ chịu nếu thấy đau nướu sau khi cạo vôi răng
- Các hướng dẫn chuyên biệt dành cho bạn được bác sĩ và phụ tá đưa ra hãy làm theo, ví dụ vệ sinh răng miệng đúng cách, sử dụng chỉ nha khoa,...
HỎI & BÁC SĨ TRẢ LỜI
Cạo vôi răng có đau không?
Trả lời: Quá trình cạo vôi răng 1 cách chuyên nghiệp thường không gây đau. Ngoại trừ chút khó chịu khi phải há miệng lớn và nước từ tay cạo vôi có thể chưa quen với một số người.
Tuy nhiên quá trình này cũng sẽ không quá thoải mái với những ai có quá nhiều vôi răng tích tụ trong thời gian dài, vì bác sĩ sẽ vất vả hơn để lấy sạch vôi. Nên nếu việc lấy vôi khó và lâu, hoặc viêm nướu, thì bác sĩ sẽ cạo vôi thêm lần thứ 2 với thời gian thực hiện ngắn và dễ chịu hơn.
Bạn có thể hỏi bác sĩ về việc gây tê khi cạo vôi nếu đây là điều trở ngại với bạn khi cần cạo vôi. Gây tê giúp bạn thấy thoải mái không đau và là cần thiết nếu làm sạch sâu dưới nướu.
Cạo vôi răng nhiều có tốt không?
Trả lời: Cạo vôi răng là điều trị an toàn, thường quy và được khuyên thực hiện định kỳ. Nhưng vẫn cần được bác sĩ chỉ định sau khi khám tổng quát, và thời gian giữa các lần điều trị tuỳ theo tình trạng nha chu, không nên lạm dụng.
Bất kỳ ảnh hưởng phụ nào của cạo vôi răng như cảm giác ê nóng lạnh, khe hở tạm thời sau khi lấy vôi,... cũng sẽ mau chóng phục hồi hoàn toàn sau 4 tuần.
Do đó tần suất cạo vôi có thể ngắn như 2 tháng/ một lần nếu có chỉ định cho bệnh nhân nha chu.
Nên ngoại trừ bác sĩ có chỉ định khác cho bạn về số lần cạo vôi răng một năm, thì cứ mỗi 6 tháng một lần cạo vôi răng là tốt nhất cho sức khỏe răng miệng của mỗi người.
Cạo vôi răng có làm trắng răng không?
Trả lời: Cạo vôi răng và đánh bóng là một trong những cách làm răng trắng nhanh chóng hiệu quả sau một thời gian dài răng bị tối màu do vết dính, mảng bám và sự bám màu thức ăn.
Đặc biệt ở một số người có tình trạng dễ bám vết dính đen trên bề mặt răng, kể cả mặt ngoài. Tuy nhiên nếu sự tối màu của răng đã đi sâu vào lớp ngà răng, thì đơn thuần cạo vôi răng và đánh bóng không giúp ích nhiều để làm trắng răng. Trường hợp này cần đến phương pháp khác là tẩy trắng răng.
Cạo vôi răng có làm răng ê buốt không?
Trả lời: Những răng bị che phủ bởi rất nhiều vôi răng cứng sau 1 thời gian dài sẽ bị tụt nướu (tụt lợi) về phía chân răng. Một khi những mảnh vôi này bị lấy đi thì chân răng bị bộc lộ tiếp xúc với không khí và thức ăn. Những răng này thường bị ê buốt (nhạy cảm) vài ngày. Thời gian và mức độ nhạy cảm này phụ thuộc vào sự khỏe mạnh của nướu răng mỗi người. Những người thường xuyên cạo vôi răng hầu như không thấy ê buốt hoặc rất ít sau mỗi lần cạo vôi, so với những ai nhiều năm mới gặp nha sĩ. Nhưng đây chỉ là triệu chứng tạm thời, men răng sẽ mau chóng bù đắp khoáng chất trên bề mặt - nướu bám vào mặt răng giúp bạn thấy giảm ê buốt răng sau vài ngày.
Cạo vôi răng có làm hư men răng không?
Trả lời: Men răng là mô khoáng hoá cứng nhất của cơ thể (cứng nhiều hơn xương và móng). Mũi cạo vôi siêu âm thì có dạng đầu tù trơn láng, và quá trình cạo vôi chỉ tác động rung siêu âm lên mảnh vôi cứng làm vôi vỡ ra chứ không phải do sự ma sát.
Do đó điều trị cạo vôi răng đúng hoàn toàn không gây tổn thương lên bề mặt men răng của bạn. Ngược lại vôi răng còn là nơi để vi khuẩn gây sâu răng trú ngụ, làm tăng nguy cơ giảm khoáng hóa trên bề mặt men răng dẫn đến sâu răng. Cạo vôi răng định kỳ giúp bảo vệ men răng tốt hơn.
Cạo vôi răng xong có kiêng gì không?
Trả lời: Sau khi cạo vôi răng, có một số thức ăn và nước uống nên hạn chế sử dụng trong 1-2 tuần như:
- Thức ăn uống cay nóng
- Thức ăn uống quá lạnh
- Thức ăn uống có màu đậm
- Đường và các chất ngọt vì dễ gây sâu răng
Bởi vì bề mặt men răng mới lấy vôi dễ bám màu và còn nhạy cảm, nên tránh các thức ăn uống khiến bạn thấy khó chịu và khó vệ sinh. Đồng thời tuân thủ hướng dẫn chải răng đúng cách, dùng chỉ nha và nước súc miệng từ bác sĩ.
Tại EDEN Dental, cạo vôi răng chưa bao giờ được xem là 1 điều trị đơn giản. Cạo vôi răng & đánh bóng luôn được bác sĩ Răng Hàm Mặt đích thân thực hiện, không chỉ đảm bảo vôi răng mảng bám được lấy đi kỹ lưỡng mà còn phải điều trị được viêm nướu/ viêm nha chu. Nó là một phần của quá trình bác sĩ cẩn thận khám và xem xét mọi ngóc ngách trên răng bệnh nhân, để không bỏ sót bệnh lý tiềm ẩn nào.
DỊCH VỤ TỔNG QUÁT KHÁC:
TRÁM RĂNG
ĐIỀU TRỊ TUỶ RĂNG
NHỔ RĂNG - PHẪU THUẬT NHỔ RĂNG KHÔN
Vôi răng là gì? Cạo vôi răng có thực sự cần thiết?
Tẩy trắng răng làm trắng răng của bạn lên như thế nào?
Phòng ngừa sâu răng ở trẻ em như thế nào?
Tất tần tật về Niềng Răng bạn cần biết
8 phương pháp trồng răng hiện nay