Nội dung bài viết [hide]
"Bé bị sâu răng có cần khám nha sĩ không?" là thắc mắc của rất nhiều người. Bài viết này sẽ cho bạn biết những việc cần làm khi nhận thấy dấu hiệu sâu răng ở con bạn. Và các cách phòng ngừa sâu răng hiệu quả.
Sâu răng ở trẻ em là vấn đề vô cùng phổ biến hiện nay. (Ảnh: internet)
Cũng giống như người lớn, trẻ em cũng cần có một hàm răng chắc khỏe để nhai thức ăn. Và một nụ cười xinh xắn. Mặc dù những chiếc răng sữa sẽ rụng đi, nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của răng vĩnh viễn. Vì vậy, khi bé bị sâu răng, cha mẹ không nên xem nhẹ vấn đề này.
1. Bé bị sâu răng - nguyên nhân vì sao?
Có thể bạn chưa biết, trong khoang miệng của chúng ta có trung bình 100 triệu vi khuẩn trên mỗi ml nước bọt. Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng thường sẽ không có hại nếu bạn vệ sinh răng miệng tốt, chế độ dinh dưỡng hợp lý và hành động bảo vệ của hệ thống miễn dịch của cơ thể con người. - Theo Kin.es
Vi khuẩn có liên quan đến sâu răng có tên là Streptococcus mutans. Khi bạn ăn uống thực phẩm có đường và tinh bột mà không làm sạch răng sau khi ăn. Các mảnh vụn còn sót lại sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ. Chuyển hóa đường và tinh bột thành axit. Lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng sâu răng - một lỗ hình thành trên răng của bạn.
Tương tự như vậy, bé bị sâu răng thường do một số nguyên nhân:
- Vệ sinh không đúng cách, không thường xuyên.
- Cha mẹ có thói quen cho trẻ bú bình, uống nước ngọt, nước trái cây vào ban đêm.
- Cha mẹ dùng chung thìa với con, hoặc ngậm núm vú giả của con (thường để thử độ nóng của sữa) cũng tăng nguy cơ gây sâu răng cho bé do vi khuẩn gây sâu răng lây lan theo đường nước bọt từ người lớn sang trẻ nhỏ.
- Trẻ ăn vặt quá nhiều lần trong ngày - thường xuyên ăn nhiều bánh, kẹo ngọt, uống nước ngọt, nước hoa quả, soda,...
Thói quen ăn nhiều kẹo ngọt có thể khiến trẻ bị sâu răng. (Ảnh: internet)
2. Dấu hiệu nhận biết
Sâu răng ở trẻ em trong giai đoạn đầu thường xuất hiện các đốm trắng đục trên răng. Cha mẹ thường khó có thể phát hiện được sâu răng ở giai đoạn này. Tuy nhiên, nếu trẻ được khám răng định kỳ, nha sĩ có thể phát hiện thông qua dụng cụ thích hợp.
Khi sâu răng tiến triển, bạn sẽ nhận thấy một số dấu hiệu rõ ràng hơn trên răng của bé, chẳng hạn như:
- Răng bị sẫm màu
- Xuất hiện các chấm đen, vết ố đen trên răng
- Một lỗ hình thành trên răng của trẻ
- Hơi thở bé có mùi hôi
- Bé bị nhức răng, ê buốt răng (nếu trẻ chưa thể nói được, bạn có thể nhận thấy cơn đau của trẻ bằng hành động hay quấy khóc, biếng ăn)
Ảnh minh họa bé bị sâu răng (internet)
3. Bé bị sâu răng - có cần điều trị không?
Bé bị sâu răng cũng cần được điều trị để tránh bệnh diễn tiến gây đau nhức dữ dội, ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai và sự phát triển của bé.
Nếu bạn nghĩ rằng răng sữa sẽ rụng đi nên không cần phải "quan tâm" nhiều đến nó. Thì bạn hãy đọc tiếp để hiểu thêm lý do vì sao các chuyên gia luôn khuyến khích cho trẻ thăm khám nha khoa định kỳ từ khi mọc chiếc răng đầu tiên trong đời. Và điều trị sâu răng, các vấn đề về răng dù là răng sữa hay răng vĩnh viễn.
3.1. Tầm quan trọng của răng sữa
Răng sữa mất sớm sẽ ảnh hưởng đến răng mọc sau nó. (Ảnh: internet)
Mỗi chiếc răng sữa đều có nhiệm vụ "giữ chỗ" cho răng vĩnh viễn mọc sau nó. Nếu răng sữa bị sâu răng và không được điều trị kị thời, dẫn đến tình trạng mất răng sớm, những chiếc răng bên cạnh nhiều khả năng sẽ "chiếm chỗ" bằng cách dịch chuyển vào khoảng trống này. Khiến răng mọc lệch lạc, chen chúc nhau, làm xấu đi nụ cười của bé.
Nếu răng sữa khỏe mạnh, sẽ góp phần giúp cho răng vĩnh viễn mọc lên một cách khỏe mạnh. Trường hợp răng sữa bị sâu cũng làm tăng nguy cơ sâu răng cho chiếc răng mọc sau nó.
4. Sâu răng ở trẻ em có tác hại gì?
Răng đảm nhận vai trò vô cùng quan trọng là nghiền nát thức ăn. Nếu bé bị sâu răng và không được điều trị, sẽ ảnh hưởng đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng của bé. Khiến bé không nhận đủ vitamin và khoáng chất để lớn lên một cách thông minh và khỏe mạnh.
Ngoài ra, sâu răng sữa cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân của trẻ.
"Sâu răng nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm khuẩn tại chỗ gây sưng đau hoặc nguy cơ lưu giữ vi khuẩn có thể dẫn đến các bệnh toàn thân như: viêm phổi, viêm khớp... và những biến chứng nguy hiểm khác" - Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống
Và một số tác hại khác như:
- Gây đau nhức răng, thậm chí là đau nhức dữ dội. Ảnh hưởng đến quá trình học tập và vui chơi của trẻ.
- Ê buốt răng khi ăn hoặc uống thực phẩm nóng, lạnh.
- Ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nụ cười. Đặc biệt khi trẻ bị sâu răng cửa, có thể khiến trẻ mất tự tin khi đến trường.
- Nếu không điều trị kịp thời, sâu răng sẽ phá hủy răng sữa, làm răng sữa mất sớm. Ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn mọc sau nó.
5. Điều trị sâu răng ở trẻ em bằng cách nào?
Trẻ đến thăm khám răng và điều trị tại nha khoa EDEN
Việc điều trị sâu răng ở trẻ em sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ sâu răng của trẻ. Các điều trị thường là:
5.1. Trám răng
Phương pháp trị sâu răng phổ biến là trám răng. Tức là dùng vật liệu trám (GIC, composite - thích hợp cho trẻ em) để "bịt kín" lỗ thủng trên răng sau khi đã loại bỏ hoàn toàn mô răng sâu, sát trùng làm sạch lỗ sâu.
5.2. Điều trị tủy răng
Phương pháp này được áp dụng cho trường hợp sâu răng diễn tiến gây viêm tủy, chết tủy. Nhằm loại bỏ nhiễm trùng, ngăn chặn sự viêm nhiễm lây lan sang các răng kế cận.
Sau khi hoàn tất quá trình lấy tủy. Nha sĩ sẽ trám hoặc mão răng để ngăn ngừa tình trạng viêm tủy tái phát.
5.3. Nhổ răng
Nếu sâu răng để lâu đến mức làm hư tổn từ ngoài vào trong răng của bé, gây viêm nhiễm nặng và không thể cứu sống được. Nhổ răng là phương pháp cần thiết để giúp trẻ không còn đau đớn bởi chiếc răng này nữa.
5.4. Điều trị sâu răng sớm
Sâu răng ở trẻ em nếu được phát hiện sớm - giai đoạn khởi phát, chưa gây đau nhức và hình thành lỗ thủng trên răng - nha sĩ sẽ giúp phục hồi lại lớp men răng đã bị tổn thương với điều trị bằng florua và hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng hợp lý cho bé để ngăn ngừa sâu răng phát triển.
6. Phòng ngừa sâu răng ở trẻ em
6.1. Khi bé chưa mọc răng
Lau nướu cho trẻ bằng một miếng gạc hoặc khăn sạch thấm nước ấm sau mỗi lần bú và trước khi ngủ. Điều này giúp làm sạch khoang miệng và cũng giúp trẻ làm quen với việc vệ sinh răng miệng mỗi ngày.
6.2. Khi trẻ đã mọc răng
- Đánh răng cho trẻ 2 lần/ngày với nước muối sinh lý hoặc kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của trẻ, kết hợp với lau nướu. Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm chuyên dành cho trẻ em.
- Tốt nhất bạn nên cho trẻ đến khám nha khoa ngay từ khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên. Điều này giúp theo dõi sự phát triển của răng và kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường.
- Hạn chế cho bé ăn vặt nhiều lần trong ngày, hoặc ăn những thực phẩm có nhiều đường, axit.
- Bạn không nên ngậm núm vú giả, thìa của trẻ trước khi cho trẻ bú hoặc ăn. Điều này có thể khiến vi khuẩn có hại truyền từ bạn sang trẻ.
7. Kết luận
Bé bị sâu răng là vấn đề vô cùng phổ biến. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của bé. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên chú trọng hơn đến sức khỏe răng miệng của con em mình. Và cho trẻ khám răng định kỳ theo lịch hẹn của nha sĩ. Nhằm giúp trẻ được phát triển một cách toàn diện.
Trẻ nghiến răng khi ngủ có tác hại gì? Xem ngay tại đây.
- Nguồn tham khảo: specialtydentist.com